Ung Trung Kien

tin hot

tin tức hot nhất trong ngày

Bao giờ quê mình mới hết nỗi nhọc nhằn vì bão hả mẹ?

Chia sẻ bạn bè:
Hà Nội sáng nay bắt đầu mưa, cơn mưa nhỏ nhưng lòng con mang một nỗi lo sợ hoang mang chợt dội về không yên. Bởi ở nơi xa, mẹ đang gồng mình chống bão. Không biết, quê nhà giờ này thế nào rồi, tưởng tưởng đến đôi mắt xa xăm của mẹ cũng đủ khiến cho con thấy nhói lòng.

“Ở nhà mưa to lắm con à, gió từng đợt kéo về làm gãy mấy cây chuối sau vườn rồi”. Tiếng mẹ thổn thức ở đầu dây bên kia. Một nỗi nhớ chợt rung lên, lòng con thắt lại. Mẹ lại mang nón tơi ra vườn đỡ mấy cây chuối dậy, tính mẹ là như vậy, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn
Đêm bão lũ, cả căn phòng trọ thức trắng đêm kể chuyện cho nhau nghe. Chúng bạn kể, những ngày bão được nghỉ học, co ro trong chăn mà nghe tiếng mưa rơi, gió rít, chờ đến khi hết bão thì cả lũ trẻ con kéo nhau đi nhặt quả rụng, cùng nhau ăn no nê. Chỉ có con là sợ bão từ ngày nhỏ. Vì con sinh ra và lớn lên ở miền Trung, sống chung với bão nên hiểu sức tàn phá khủng khiếp như thế nào. Là con của người nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối, mưa bão đã trở thành nỗi lo lớn nhất với cả gia đình con, khi tất cả “tài sản” đều phó mặc cho trời, chỉ cần sau một đêm nước đã trắng xóa và san bằng tất cả.
Con thương mẹ những đêm bão về, lá cây xô vào nhau, cành khô rơi lả tả sau hiên nhà.Thao thức mẹ không chợp mắt được lại ra bờ ao xem nước có tràn vào nhà không? Mẹ lo cho mấy chú gà con vừa mới mất mẹ đang kêu chiêm chiếp trong lồng, con bò nằm co ro một góc ve vẩy cái đuôi. Con cũng không ngủ được khi nghe tiếng gió cứ gầm gừ, mưa xối xả trắng cả bầu trời. Đêm đênn nỗi sợ hãi cùng với những âm thanh rờn rợn lòng con lại thao thức. Con nhớ đến từng đợt gió gào thét, gào thét từng cơn trong đêm, đập vào từng thanh cửa gỗ; hàng cây đổ xào xạt, nghiêng ngả theo từng đợt gió nổi; đêm hun hút bão về như muốn nuốt lấy cả quê con…
Bão sô 10 lại về, nhà mình, quê mình lại chống bão, chống lại sự giận giữ đến xé lòng của thiên nhiên. Con vẫn nhớ như in những hình ảnh ghê rợn ấy. Nước nổi lênh láng khắp đồng ruộng, rồi men theo bờ bò vào nhà… Năm ấy làng mình trông ngô vụ đông, ngô mới chỉ nhú lên được bằng một đốt ngón tay người, ấy thế mà một trận gió về… Ngô gãy ngang, bật gốc lên. Thương lắm những mầm non vừa mới nhú. Cây xoài nội trồng mấy mươi năm sai trĩu quả cũng bị gió làm gãy, đập vào mái nhà, ngói rơi lộp độp. Mưa cứ rơi. Lòng mẹ nẵng trĩu, lo âu.
Cứ nghĩ… Tại sao quê mình luôn phải hứng chịu sự khắc nghiệt ấy mẹ nhỉ? Miền trung gánh hai đầu đất nước, chiếc đòn ấy đã nặng nề lắm rồi, đã mảnh mai, gầy guộc lắm rồi, đến bao giờ mới hết nỗi nhọc nhằn này hả mẹ? Có phải sẽ chẳng bao giờ hết được phải không mẹ?
Hồi còn nhỏ, mỗi mùa bão về, tôi hay nhìn qua khe cửa sổ nhìn là nước trắng xóa ngập đến gần ngang cả bờ tường chắn nhà, thế mà sau bão tan hoang, chả hiểu sao cái bụi dây trầu của bà nội vẫn chẳng sao. Tôi cứ hỏi mẹ “Mẹ ơi! Vì sao dây trầu của bà vẫn không bị bão quật chết hả mẹ?”, mẹ bảo là “Trầu mà con, không bao giờ nó chết được đâu trừ khi con kéo gốc rễ nó lên phơi nắng”… Tôi nghe cũng chẳng hiểu được điều gì…
Sáng nay bão về miền Trung, bão về đến hiên nhà tôi rồi đấy! Mẹ bảo mưa và gió rất mạnh.Tôi lại nhớ đến dây trầu và lại hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Còn dây trầu của bà thì sao?”, mẹ bảo: “Nó vẫn bò lên tường và bám rất chắc vào tường đó con”. Tôi lại hỏi mẹ: “Vậy mẹ ơi! Nó có chết sau bão không?”. Mẹ lại bảo: “Không chết được đâu còn dù mưa gió bão bùng…”
Đến bây giờ, khi ngồi nghĩ lại dây trầu tôi chợt hiểu ra một điều rằng: Dây trầu của bà nội rất yếu mềm nhưng lại rất mạnh mẽ, nó có một điều gì đó giống người miền Trung quê tôi. Họ sống một đời lam lũ, chắt chiu từng hạt gạo, từng mảnh áo bất kể mưa giông gió bấc… Khí hậu khắc nghiệt của mảnh đất nắng lắm mưa nhiều đó không làm chết đi tinh thần của người nông dân quê tôi. Ngược lại nó đã tạo nên những con người kiên cường, mạnh mẽ với sức sống dẻo dai.
Mùa bão về những con người nghèo khổ lại oằn vai gánh bão nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ đầu hàng thiên tai, cũng như dây trầu của bà tôi dẫu có yếu ớt, thân mềm, lá dễ dập nát, nhưng đứng trong bão giông nó lộ ra một sức sống bền bỉ và khả năng chịu đựng hơn tất cả các loài. Dù sau bão cành lá có hư hao, ngọn trầu có gãy nát thì thân dây sù sì của nó vẫn vươn mình đón ánh bình minh.         Giờ chỉ còn mình mẹ trong ngôi nhà ấy, chỉ còn mình mẹ bé nhỏ, ngoài kia những cột lốc chống trời, tiếng gió hoang hoải đêm thâu, chỉ còn mình mẹ góc nhà ủ dột leng keng thau chậu. Còn tôi ở chốn này, sự ấm áp đến ngột ngạt làm đau cả tâm hồn

Nhưng mẹ ạ:
“Bão táp đi qua
Rồi lại đến
Lần sau
Năm sau
Muôn đời
Miền Trung chẳng lẻ loi
Miền Trung không đơn độc
Miền Trung là khúc ruột
Trong cơ thể Việt Nam.
Cả nước sẽ vì Miền Trung
Quyết nhường cơm xẽ áo
Cả nước cùng Miền Trung
Vữ
ng vàng qua dông bão”